TP.HCM lập tổ công tác thực hiện 'giấc mơ' siêu cảng tỉ USD Cần Giờ
TP.HCM sẽ bắt đầu 'xắn tay" ngay vào việc triển khai thực hiện dự án siêu cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ.
UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định về thành lập Tổ công tác thực hiện đề án "Nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ".
Tổ công tác gồm 15 thành viên, do Giám đốc Sở GTVT TP Trần Quang Lâm làm Tổ trưởng. Tổ công tác có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các sở ngành, đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất UBND TP trong việc lập, trình "Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ". Đồng thời, tham mưu, đề xuất UBND TP chỉ đạo triển khai thực hiện đề án sau khi được cấp có thẩm quyền thông qua và thực hiện các nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của UBND TP.
TP.HCM kỳ vọng cảng trung chuyển sẽ là cú hích đột phá kinh tế biển Cần Giờ
Theo đề án đã được TP.HCM cùng đơn vị đề xuất hoàn thiện, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được đặt tại khu vực cù lao Phú Lợi (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ). Cù lao này có hơn 93 ha rừng phòng hộ, trong đó có hơn 82 ha đất có rừng và được bao quanh bởi sông Thị Vải, sông Thêu. Khu vực này nằm trong vùng chuyển tiếp của khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, nên dự án không ảnh hưởng đến vùng lõi rừng.
Dự án có quy mô khoảng 7,2 km cầu cảng, tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay (24.000 TEU), công suất thông qua 10 - 15 triệu TEU, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6 tỉ USD. Dự án được phân kỳ thành 7 giai đoạn đầu tư, bắt đầu triển khai thi công xây dựng giai đoạn 1 vào năm 2024 và đưa vào khai thác năm 2027.
Tại hội thảo về đề án do UBND TP tổ chức cuối tuần trước, Phó chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường nhấn mạnh lịch sử phát triển Sài Gòn - TP.HCM hơn 300 năm qua gắn liền với sự phát triển của cảng biển, vận tải biển… Huyện Cần Giờ có vị trí địa lý tiếp giáp với Biển Đông, nằm giữa 2 cửa sông lớn Soài Rạp, Lòng Tàu và tiếp giáp với sông Thị Vải, là các tuyến hàng hải quan trọng của cảng biển nhóm 4 (nhóm cảng biển Nam Trung bộ), hội tụ đủ điều kiện để phát triển cảng biển cửa ngõ quốc gia và trung chuyển quốc tế.
Việc sớm triển khai xây dựng các cảng container của cảng biển trong giai đoạn 2021 - 2030 là cần thiết để đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa hiện tại và trong tương lai từ nay đến 2030 của TP.HCM nói riêng cũng như các tỉnh khu vực kinh tế trọng điểm phía nam nói chung.
Các chuyên gia hàng hải và chuyên gia kinh tế đánh giá việc phát triển cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế sẽ là hạt nhân thúc đẩy và phát triển Cần Giờ thành một trung tâm cảng biển, logistics hàng đầu của cả nước. Đề án không chỉ nhằm thực hiện chủ trương di dời cảng Sài Gòn ra khỏi nội đô mà còn thu hút các hãng tàu, hãng vận tải, chủ hàng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics, sẽ sớm đưa khu vực cửa sông Cái Mép thành cửa ngõ trung chuyển quốc tế, tham gia vào chuỗi cung ứng vận tải thế giới.
Nguồn: https://tinyurl.com/2p9mo4hd
ngày đăng 19/5/2023